Đánh Giá Và Cảm Nhận God of War 4 - Sự Bắt Đầu Của Một Điều Vĩ Đại


Lịch Sử Của Cái Tên "God of War"
Cái tên God of War có lẽ không phải là một cái tên xa lạ đối với cộng đồng game thủ nói riêng và nền công nghiệp game nói chung. Khi nhắc đến cái tên này, ai cũng đồng ý rằng, nó chính là một tượng đài huyền thoại không bao giờ có thể bị sụp đổ mà Sony đã đem đến cho đế chế Playstation của mình trong gần 15 năm qua 4 hệ máy khác nhau.

God of War chính là đỉnh cao về chất lượng, về đồ họa, âm nhạc, cốt truyện. Nói đến God of War cũng chính là nhắc đến sự hoàn hảo và tinh túy nhất của nền công nghiệp game. Ra mắt lần đầu vào năm 2005 trên hệ máy PS2, Santa Monica Studio đã chứng minh tài năng của họ với một tựa được xem là bom tấn tại thời điểm đó, dành được vô số những giải thưởng danh giá. Game Hay Nhất Năm, Thiết Kế Của Năm, Lồng Tiếng Hay Nhất, Âm Nhạc Hay Nhất và vô số giải thưởng khác. Tiếp đà thắng lợi, chỉ 2 năm sau, God of War 2 công phá hàng loạt giải thưởng khác và được trao tặng giải thưởng Tựa Game Playsatation Hay Nhất Năm và được những trang đánh giá game hàng đầu thế giới công nhận là đỉnh cao của kỉ nguyên PS2.



Những phiên bản tiếp theo của seri cũng liên tiếp được lọt vào danh sách những game hay nhất mỗi khi ra mắt. Hai bản game Chain of Olympus và Ghost of Sparta (đã được việt hóa trong blog của mình) trên PSP được xem là những game hay nhất trên hệ máy cầm tay này của Sony, và để kết thúc seri game đỉnh cao này, Santa Monica công phá nền công nghiệp game với con át chủ bài God of War 3 vào năm 2010 trên hệ máy PS3, và sau đó được tái bản với nền đồ họa đẹp hơn vào năm 2015 trên hệ máy PS4.

Danh sách giải thưởng của God of War 3 gần như không thể liệt kê hết. Một trong số đó là giải Game Hay Nhất Năm và Game PS3 Hay Nhất Năm ở Giải Lễ Trao Giải Game Spike. Thành Tựu Nghệ Thuật của nền công nghiệp game tại Lễ Trao Giải Học Viện Điện Ảnh và Truyền Hình Anh. Game Bán Chạy Đứng Thứ 9 trên hệ máy PS3 và còn nhiều nữa.



God of War 3 đồng thời cũng đóng dấu chấm hết cho cốt truyện sử thi của seri game, kết thúc thời đại của các Vị Thần Hy Lạp cũng như sự hủy diệt của Thế Giới với cái chết của hầu hết các Vị Thần, kể cả Vị Thần Chiến Tranh Kratos, nhưng đó có thật sự là cái kết cho hành trình của Bóng Ma Thành Sparta? Không, câu trả lời không chỉ đơn giản là không mà là còn hơn thế nữa.

Một Huyền Thoại Hoàn Toàn Mới


God of War 4, hay chỉ đơn giản là God of War (2018) tiếp tục cuộc hành trình của vị chiến thần sau sự kiện ở God of War 3. Kratos, sau khi hủy diệt đế chế thống trị của các vị thần Hy Lạp và tự sát để giải phóng sức mạnh của Hy Vọng cho loài người, hay ít ra là bất cứ ai còn sống sau khi ông hủy diệt thế giới, bằng cách nào đó vẫn còn sống và lưu lạc đến một thế giới khác, không phải nằm trong Thần Thoại Hy Lạp mà là Migard của Thần Thoại Bắc Âu.

Câu chuyện bắt đầu khi Kratos có vẻ như đã có một cuộc sống mới tại Migard. Ông có một người vợ là Faye và một đứa con trai được ông đặt tên Atreus. Người vợ của Kratos đã chết, và di nguyện cuối đời của bà, đó là được con trai mình mang tro cốt rải ra khắp các Cõi Trần ở nơi cao nhất của 9 Cõi Trần Giới (Cửu Giới), và đó cũng chính là hành trình của game, khi Kratos cùng con trai hoàn thành di nguyện của bà.



Rời xa Thần Thoại Hy Lạp, ở vùng đất mới, game thủ được đắm chìm vào những vùng đất hùng vĩ và choáng ngợp không thua kém gì ở Thần Thoại Bắc Âu này. Cốt truyện của game dẫn dắt người chơi đi từ những vùng đất thần thoại như Migard, Alfheim, Helheim... Chúng ta được gặp những nhân vật mới mà cũ trong Thần Thoại Bắc Âu như Freya, Mimir, Baldur, Mãng Xà Jörmungandr, Thor, Odin... Thế giới Bắc Âu được tái hiện và khắc họa hùng vĩ và choáng ngợp đến khó tin, khiến người chơi dễ dàng đắm chìm vào không gian của game một cách nhanh chóng.

Một Vị Thần, Một Người Thầy, Một Người Cha
Xuyên suốt seri game God of War, hình ảnh một Kratos điên cuồng, tàn bạo, sẵn sàng tàn sát bất cứ ai trên con đường trả thù của ông đã khắc sâu và tâm trí của fan hâm mộ. Cũng có những lúc ta thấy một Kratos tình cảm, yêu thương, như khi ông gặp lại cô con gái Calliope, ôm mẹ mình trong tay, hay tình thương với người em trai Deimos. Những hình ảnh đó cho ta thấy bóng hình một người đàn ông, một người cha, một người con, một người anh trai, một người chồng vẫn còn đâu đó ẩn sâu bên dưới cái bóng đen tối mang cái tên Bóng Ma Thành Sparta.

Và ở God of War 4, chúng ta được thấy một Kratos hoàn toàn khác, gần như không thể nhận ra được. Ông trở nên già dặn hơn, trưởng thành hơn, tình cảm hơn và thậm chí là kiềm chế cảm xúc tốt hơn, từ đó tạo nên một sự thay đổi vô cùng lớn cho nhân vật, đặc biệt là với những ai đã chơi tất cả các bản game trước của seri.

Có một điều dễ ngộ nhận từ những người chỉ biết đến game vì yếu tố bạo lực, chặt chém, từ đó suy diễn rằng Kratos là một nhân vật "nông cạn", không có chiều sâu và nhạt nhòa. Điều đó hoàn toàn không chính xác. "Nông Cạn" và "Tàn Nhẫn" chính là một phần bắt buộc của Kratos ở những phần game trước. Đó là khi một người đàn ông không còn quan tâm đến bất cứ điều gì, bởi vì tất cả những gì anh yêu thương đều đã bị tước đoạt và mất đi. Lòng thù hận tàn nhẫn đã khiến ông trở thành một con quái vật, kẻ đã tàn sát hàng nghìn người dân vô tội, hàng chục các Cựu Thần Titan cùng các Thần Olympus.

Nhưng sau khi hủy diệt mọi thứ, Kratos dần dần quay trở lại phần "người", khi anh nhận ra, anh không còn gì để hận thù và không con ai để giết nữa. Đó cũng chính là lý do tại sao ở cuối phần 3, anh quyết định tự sát để trao cho thế giới mà anh đã phá hủy một cơ hội tái sinh, một sự giải phóng sức mạnh của tất cả những vị thần mà anh đã giết cùng với sức mạnh của Hy Vọng mà Pandora đã trao cho anh.

Và giờ đây khi anh đã là một người chồng, một người cha ở một vùng đất mới với một khởi đầu mới, Kratos lại trở nên lo sợ, nỗi sợ của mất mát, nỗi sợ của sự thù hận, của con quái vật đang ẩn giấu bên trong chỉ chực chờ xuất hiện. Ông lê những bước chân nặng nhọc, nén đau, tự nhủ thầm với người vợ của mình: "Anh phải làm gì đây Faye, con trai của chúng ta, nó vẫn chưa sẵn sàng để có thể mang tro hài của em lên đỉnh những ngọn núi cao nhất...và anh cũng vậy. Anh không biết phải làm sao... khi không có em."

Chưa bao giờ trong tất cả những phần game của God of War, ta được thấy những cảm xúc sâu thẳm và chân thành nhất của Kratos như ở God of War 4 này, cốt truyện của game xoáy sâu và nội tâm của Kratos và sự thay đổi của anh đối với mọi điều xung quanh anh chính là điểm nhấn sáng giá và nổi bật nhất của game. Nói không ngoa, God of War 4 gần giống như một phiên bản The Last of Us với một không gian sử thi bi tráng và vĩ đại hơn rất nhiều vậy.

Nỗi sợ hãi lớn nhât của một người cha, đó chính là nhìn vào đôi mắt của đứa con và chứng kiến những lỗi lầm mà họ đã từng mắc phải, sắp sửa xảy ra lần nữa. Ước mong lớn nhất của Kratos chính là dạy con trai ông tránh khỏi những sau lầm đó, để rồi đau đớn nhận ra rằng, những bài học đó chỉ có trải nghiệm chứ không thể dạy dỗ bằng lời. Đó cũng chính là nỗi đau mà chỉ những người làm cha làm mẹ mới có thể thấu hiểu.

Chiến Thần Sparta Vẫn Còn Đó
Tất nhiên God of War 4 không chỉ hoàn toàn tập trung vào cốt truyện cảm động bi hùng mà bỏ bê phần chiến đấu chặt chém đặc trưng của seri. Ở bản game này, cơ chế chiến đấu của God of War đã hoàn toàn đổi mới, và thậm chí không thua kém gì ở độ bạo lực và đẫm máu so với những phần trước đây. 

Không còn là góc quay camera cố định với những trường đoạn spam nút điên cuồng ở những chiến trường khủng bố, God of War 4 đưa người chơi vào góc quay góc nhìn người thứ 3, gameplay tập trung và phức tạp hơn, kết hợp liên tục giữa đỡ, né, xoay, dựa địa hình, hỗ trợ, choáng, phép thuật...


Mang đậm tính chất RPG, người chơi sẽ không còn mặc mỗi quần đùi áo lá khoe body chuẩn như xưa mà sẽ dành phần lớn thời gian lùng sục khắp các ngõ ngách trong Cửu Giới để tìm kiếm nguyên vật liệu để đúc chế các loại áo giáp, găng tay, hay các ngọc phép để nâng cấp, hoặc thậm chí là những vật phẩm hiếm chỉ tìm được sau khi giết những con trùm khủng hay giải quyết được những câu đố phức tạp của game, giúp người chơi gần như không bao giờ cảm thấy chán dù có đánh với từng đó kẻ thù chăng nữa.


Với mỗi cách xây dựng sức mạnh khác nhau, mỗi người chơi cũng sẽ có những lối chơi khác nhau, từ đó tạo ra nhiều chiến thuật khác nhau mỗi khi chiến đấu với nhiều kẻ thù hoặc những con trùm khủng trong game. Và không chỉ mỗi Kratos, đứa con trai của ông là Atreus cũng đóng góp phần lớn vào gameplay của game. Cậu bé sẽ giúp Kratos trong những phần giải đố, cũng như hỗ trợ ông trong chiến đấu với cung và dao cũng như các phép thuật của cậu. Người chơi cũng có thể nâng cấp kĩ năng và phụ kiện, vũ khí, áo giáp cho Kratos và Atreus trong quá trình chơi để có thể đương đầu với những kẻ thù đáng sợ trong game.

Kratos sở hữu 3 loại vũ khí chính. Đầu tiên chính là Leviathan Axe, cây rìu băng giá được người vợ quá cố của ông để lại, với khả năng đóng băng kẻ thù, làm chậm vật thể và thậm chí là có thể dùng để ném vào đối phương rồi hút lại hệt như búa thần của Thor. Vũ khí thứ 2 chính là...đôi tay của Kratos, vâng, chính xác rồi đấy, nếu như bạn chưa từng thấy Kratos sử dụng nắm đấm của mình để càn quét kẻ thù, thì ở God of War bạn sẽ được chứng kiến những màn đấm tay bo, bẻ đầu, xé xác và đấu vật với kẻ địch một cách ác liệt đã mắt chưa từng thấy trước đây. Mặc dù đánh tay bo không gây nhiều sát thương, nhưng bù lại nó dễ dàng làm choáng kẻ thù nhanh hơn, tạo điều kiện để bạn có thể tung ra những đòn kết liễu đẹp mắt, hoặc vô hiệu hóa kẻ thù trong thời gian ngắn.

Và thứ vũ khí thứ 3, cũng chính là thứ làm nên tên tuổi vị chiến thần của chúng ta, Cặp Song Đao Chiến Thần Hỗn Mang - Blades of Chaos. Vẫn là những vũ điệu múa lửa đẹp mắt, nổi bật một cách rực rỡ trên bức tranh lạnh giá của thần thoại Bắc Âu, khiến cho chúng ta say đắm và xúc động. Cùng với 3 món vũ khí chính này, kết hợp với những vũ khí phụ như chiếc khiên Hộ Vệ trên tay, cung và dao của con trai cũng như hàng chục đến hàng trăm những phép thuật Runes khác nhau, chắc hẳn sẽ khiến bạn càng phấn kích hơn trên chuyến hành trình "làm cha" của Kratos.



Đồ Họa Và Âm Thanh - Một Tác Phẩm Nghệ Thuật Của Nền Công Nghiệp Game
Với mỗi phiên bản game, God of War luôn là người đi đầu về chất lượng hình ảnh và âm thanh ở trên các hệ máy. God of War 2 vẫn được xem là tựa game đẹp nhất của hệ máy PS2, God of War Ghost of Sparta cũng được xem là tựa game đẹp nhất trên PSP, và God of War 3 chính là thứ đã đưa PS3 chạm đến giới hạn sức mạnh cuối cùng của nó. Vậy mà đối với cá nhân người viết, người đã chơi rất nhiều game trên rất nhiều hệ máy khác nhau, God of War 4 thực sự chính là tựa game đẹp nhất và hoành tráng nhất cho đến thời điểm hiện tại, không chỉ tính trên PS4 mà là trên tất cả các hệ máy chơi game hiện nay.



Trong suốt hơn 60 giờ chơi, người viết bài không thể nhớ hết được số lần phải "Wow" trước những khung cảnh quá hùng vĩ và chi tiết của game. Từ Migard phủ tuyết nhè nhẹ, đến những cảnh rừng vàng cuối mùa thu đang thay những tán lá úa bay trong gió, đến mặt hồ trong veo phản chiếu những tia sáng óng ánh của ánh ban mai, tất cả đều quá chân thật và đẹp mắt. Độ vân phủ bề mặt được thiết kế vô cùng tinh xảo và hoa mỹ, từ sự xù xì của những ngọn núi cao vút, đến những công trình cổ xưa, và cả bên trong những lòng núi chết chóc, hòa quyền lại với nhau thật hoàn hảo để tạo nên một bức tranh phong cảnh xứng đáng để tôn vinh sự hoành tráng của sử thi Bắc Âu.

Chi tiết mô hình nhân vật, đặc biệt là Kratos và Atreus còn đẹp hơn không gian gấp nhiều lần, đặc biệt là với công nghệ motion capture, dùng người thật để đóng vai, từ cử động, cách di chuyển, cho đến biểu cảm khuôn mặt, cảm xúc của các nhân vật trong game đều được thể hiện quá xuất sắc. Nỗi sợ hãi trên khuôn mặt Kratos khi con trai ông bị thương, hay sự lo lắng pha lẫn tức giận của Atreus khi nghĩ rằng cha cậu đã bỏ rơi cậu, cho đến những nhân vật phụ như 2 chàng trai người Lùn và các phản diện của game, mọi chi tiết đều được đầu tư kĩ càng để xứng đáng với chất lượng của một tựa game siêu phẩm.

Tất nhiên với nền đồ họa đẳng cấp như vậy, cỗ máy PS4 chỉ có thể giữ mức không hình 30FPS cho game, điều đó cũng tạo nên một sự ổn định bởi vì game không hề có sự sụt giảm không hình ở bất cứ khung cảnh nào, chưa kể ở trên hệ máy PS4 Pro, đồ họa vốn đã kinh dị của game ở bản thường, còn được nâng cấp ghê hơn nữa, khi có thể chạy ổn định ở mức 60FPS trên độ phân giải 4K cùng số lượng vân phủ bề mặt được tăng cường, khiến mọi khung hình của game dù ở bất kì thời điểm nào, cũng giống như một bức tranh nghệ thuật tuyệt đẹp, làm choáng ngợp người chơi. (Người viết bài đã phải dành vài tiếng mỗi ngày chỉ để đi chụp hình game với công cụ chụp ảnh của game mà không thấy chán nổi, chỉ đơn giản là vì chụp góc độ nào cũng đẹp cả )

Phần âm nhạc soạn tác bởi nhạc sĩ Bear McCreary cũng không kém phần hào hùng và ấn tượng, những bản nhạc nền có lúc sâu lắng, trầm mạc làm người chơi đắm chiềm vào không gian thơ mộng của game, cũng có lúc lại cuồng nhiệt, sử thi đậm chất thần thoại Bắc Âu. Phần lồng tiếng cũng gây ấn tượng không kém, thậm chí cá nhân người viết, người đã quá quen với chất giọng giận dữ, mạnh mẽ của Kratos qua sự thể hiện của T.C Carson, đánh giá rằng Christopher Judge, người lồng tiếng và đóng montion capture cho nhân vật Kratos ở bản này thực sự đã làm được một điều còn tuyệt vời hơn, đó là thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của Kratos. Những nhân vật phụ khác như Atreus, Freya, Baldur, 2 chàng người lùn và đặc biệt là Mimir Thông Thái cũng đều tỏa sáng trong mảng lồng tiếng của mình.

Ragnarok - Bắt Đầu Của Sự Kết Thúc
Kết thúc của God of War 4 chỉ là sự bắt đầu của một hành trình hoàn toàn mới, và những gì mà game thủ chúng ta vừa được trải nghiệm chỉ là những trang đầu tiên của một cuốn sử thi hoàn toàn mới của thế giới thần thoại Bắc Âu trong game và hứa hẹn thậm chí sẽ còn nhiều hơn nữa. Quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, quá nhiều những bí ẩn chưa được giải đáp, và hơn hết thảy, đó là quá nhiều gợi ý ẩn được đưa ra về một thế giới thần thoại khổng lồ khác, ta đã được chiêm ngưỡng thần thoại Hy Lạp qua con mắt của Kratos xuyên suốt 7 phần game trước, vậy giờ đây khi bước sang trang mới của thần thoại Bắc Âu, rồi cả thần thoại Ai Cập, Nhật Bản và có thể là nhiều hơn nữa, thì còn những điều vĩ đại gì mà ta có thể được đắm chìm, chỉ có thời gian mới có thể trả lời, bởi vì chính nhà sản xuất cũng đã nói rằng, họ đã lên kế hoạch để thực hiện ít nhất 5 phần game nữa và God of War 4 chính là sử mở đầu.

Với những thành công cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật mà God of War 4 đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có thể tin chắc rằng hành trình của Kratos và con trai của ông Atreus sẽ sớm quay lại trong tương lai gần. Cho đến thời điểm viết bà doanh số bán đĩa của God of War 4 đã vượt mặt rất nhiều những đối thủ sừng sỏ khác và trở thành tựa game bán chạy nhất trên PS4, God of War 4 hứa hẹn sẽ là, không chỉ một trong những ứng cử viên đâu, mà chính là ứng cử viên nặng kí nhất và sáng nhất cho giải thưởng Game of The Year 2018 dù năm 2018 vẫn chưa hề kết thúc và những tựa game hấp dẫn khác vẫn còn chưa ra mắt.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài cảm nhận của mình. Mình là một fan cuồng của God of War từ những phiên bản đầu tiên đến tận bây giờ, sẽ còn rất nhiều bài viết phân tích về God of War trên blog của mình. 

Chấm Điểm
Ưu điểm:
- Cốt truyện tuyệt hảo.
- Đồ họa đỉnh cao.
- Âm nhạc và lồng tiếng chất lượng.
- Lối chơi cải tiến.
- Hệ thống kĩ năng, nâng cấp đa dạng.
- Cân bằng giữa 2 yếu tố hành động và giải đố.
- Hành động đã tay đã mắt.

Nhược điểm:
- Số lượng kẻ thù lặp lại, một mô hình nhân vật được "tái sử dụng" nhiều lần.

Đánh giá: 10/10

KynamVan

Nhận xét

  1. Bài viết chi tiết, dễ thấy tâm huyết của người viết với series, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân ở phần vũ khí, bạn nên ghi chú spoiler. Vũ khí thứ hai trong God of War lần này chưa bao giờ được "tease" trong các đoạn trailer, đồng nghĩa nó mang ý nghĩa quan trọng trong game, thường gọi là "plot device".

    Cá nhân mình thấy phân đoạn lấy vũ khí này cũng khá quan trọng, lúc có đĩa mình đã hạn chế lướt fb youtube để tránh spoil, chỉ do lỡ lướt qua thumbnail có vũ khí này mà cảm giác khá hụt hẫng :) Nhận xét cá nhân, tùy ý người viết nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay, chi tiết. P/s: Tôi là Bắc kì đây. Nghe bảo ông phân biệt vùng miền?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến